Chú Giải Tin Mừng Thứ Tư Tuần XXIV Mùa Thường Niên (Lc 7,31-35) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ TƯ TUẦN XXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 7,31-35

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I : 1 Cr 12,31. 13,13

Trong bức thư này, Phaolô đã cố gắng giải quyết một số vấn đề cụ thể mà cộng đồng giáo dân Côrintô đưa ra. Quả vậy, sau khi đưa ra quan điểm về bậc sống độc thân và đời đôi bạn, về cách tổ chức buổi họp mặt phụng vụ, về những khác biệt chính đáng, về sự hiệp nhất thiết yếu trong Hội Thánh, về cách sử dụng các ơn đoàn sủng... Giờ đây Phaolô lại thêm rằng, nếu các sự việc vừa kể trên, có chút giá trị nào, thì tựu trung cũng là nhờ đức “bác ái", nhờ tình thương agape. Và dưới ngòi bút của ông ta đọc thấy, bài đọc thánh thi hay nhất, ca ngợi đức ái.

Trong các ân huệ của Thiên Chúa, đây là đều cao trọng nhất... Đây, con đường trổi vượt hơn cả : Đức bác ái,. tình thương.

Trong ngôn ngữ hiện đại, người ta lúng túng để chuyển dịch danh từ mà thánh Phaolô dùng ở đây. Một danh từ Hy Lạp "agape” .

Nếu dịch là “ bác ái”, thì còn quá hẹp nghĩa, vì ta thường dễ nghĩ ngay đến “ bác ái là bố thí”.

Nếu dịch là "tình thương”, cũng còn tối nghĩa vì nó có thể nghịch lại với ý nghĩa mà Thánh Phaolô muốn nói.

Ngôn ngữ Hy Lạp có hai danh từ khác nhau : "eros " có nghĩa là thương-muốn, một tình yêu muốn hưởng thụ và chiếm hữu như khi nói “ con sói yêu con chiên” hay là "tôi thích thuốc lá”.

"Agape" có nghĩa tình yêu tận hiến, một tình yêu vô vị lợi có khả năng hy sinh cho một người khác, như khi nói người mẹ yêu thương con - mình" hay là “ Thiên Chúa yêu thương ta"...

Lòng bác ái thì nhẫn nhục, không tìm tư lợi. Lòng bác ái thích giúp đỡ, không nóng giận, không ghen tương. Lòng bác ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.

Khi nói các lời này, Phaolô tưởng nghĩ đến Đức Kitô. Chính Người đã thực hiện tất cả cách trọn hảo.

Tôi lấy lại từng tiếng một của kiểu nói trữ tình này để tưởng tượng ra Đức Giêsu đang sống thế.

Giả như tôi được biết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu về Thiên Chúa, và được cả lòng tin có thể chuyển núi dời non, mà không có lòng bác ái, thì tôi cũng chẳng là gì !

“ Giá trị” căn bản của tôn giáo chúng ta không phải là “ đức tin", ít ra là về phương diện "giáo lý" của lý trí hiểu biết, mà chính là "lòng bác ái !" Một bà nội trợ nghèo nàn mà có lòng bác ái, khi nhồi bột làm bánh, thì cao quý về ân sủng hơn một nhà thần học với quả tim khô cằn, hay là hơn cả một người làm được phép lạ, như lời Thánh Phaolô.

Cứ dấu này mà người ta biết được anh em là môn đệ Thầy, nếu anh em thương yêu nhau.

Trong cuộc đời, tôi đã yêu thương tận hiến thế nào ?

Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ... Vào ngày đó mặt giáp mặt với Thiên Chúa. Hiện nay đức tin, đức cậy và đức mến, cả ba đều tồn tại ; nhưng cao trọng hơn cả là đức mến !

Phaolô gợi lên cảnh quê trời sau khi ta chết. Dưới thế trần, ta biết được Thiên Chúa một cách lờ mờ, u tối. Về trời ta sẽ nhìn thấy Thiên Chúa :"mặt giáp mặt" : Thật là một kiểu diễn tả cảm kích biết bao. Thiên Chúa là "Tình yêu" và bấy giờ, ta sẽ hoàn toàn được tình yêu ấy bao bọc. Lạy Chúa xin thương giúp chúng con, ngay lúc chúng con còn ở đời này.

Bài đọc II : 1 Tm 3,14-16

Cha muốn con biết phải cư xử thế nào trong nhà Thiên Chúa, là Hội Thánh Thiên Chúa hằng sống.

Thánh Phaolô coi là tương đương “ cộng đoàn Kitô hữu”, Hội Thánh Thiên Chúa" và “nhà Thiên Chúa”. Chúng ta có niềm xác tín được là "nhà 'Thiên Chúa" không ? Không kiêu căng, nhưng với ý nghĩa thâm sâu về phẩm giá và trách nhiệm của chúng ta.

Đừng quên rằng các Kitô hữu tiên khởi là thiểu số.. bị chìm mất trong đế quốc Rôma lương dân mênh mông. Họ đã tin vào vai trò không thể thay thế được của họ. Còn chúng ta ?

Hội Thánh Thiên Chúa hằng sống, là cột trụ và nền tảng chân lý.

Thực sự, Tin Mừng chỉ được sống với nhau trong cộng đoàn. Không có “nhóm họp trong Hội Thánh”, đức tin sẽ mau chóng xanh xao, thành một công giáo trống rỗng xu thời.

Ngày nay đôi khi người ta coi nhẹ tầm quan trọng của việc đều đặn giữ ngày Chúa Nhật : Dầu vậy, đây là cột trụ duy nhất của một đức tin vững chắc. Ai không thường nuôi dưỡng bởi Lời và bánh của Thiên Chúa... rồi sẽ sống không có Chúa.

Rõ thực, lớn lao thay mầu nhiệm của đạo thánh.

Thánh Phaolô thích dùng từ "mầu nhiệm " để tóm lược “kế đồ của Thiên Chúa”. Mầu nhiệm xưa bị giấu ẩn, nay được tỏ lộ (l Cr 2,7 ; Ep 5,32).

Sau khi mười thế kỷ giải thích thần học, đã phô diễn, và phức hóa kiểu nói về mầu nhiệm này, thật tốt đẹp cho chúng ta khi nghe tóm lược nó vào vài dòng.

Mầu nhiệm…. chính là Chúa Kitô.

Như thế, mục đích trong kinh Tin Kính của chúng ta, không phải là xác quyết về Thiên Chúa, mà là một xác quyết về Chúa Giêsu Kitô.

Và , để định nghĩa phân vụ và con người của Người, Phaolô sắp dùng lần nữa một Thánh Thi, một loại kinh Tin Kính sơ khai và giản dị.

Tỏ hiện trong xác thịt, mình chính trong Thánh Thần.

Đầy người và đầy Chúa, trong xác thịt và trong Thánh Thần Đó là nguồn gốc của Chúa Giêsu.

Kính tin trong thế gian siêu thăng trong vinh hiển.

Vừa trong thế gian vừa trên trời. Như trong các thư khác của Thánh Phaolô, chúng ta gặp thấy vai trò trung tâm, chiếm giữ tất cả, của Chúa Kitô.

Tỏ hiện cho Thiên Thần, rao giảng cho Dân ngoại.

Hiện diện với các thực thể thiêng liêng nhất và gần Thiên Chúa nhất, cũng như với các thực thể xem ra xa cách nhất. Chính từ mầu nhiệm đó mà cộng đoàn Kitô hữu là người được ký thác và nâng đỡ. Nó mang trọng trách chuyển thông chân lý.. nay cho thế gian. Chính đức tin này là sự cứu rỗi độc nhất của nhân loại. Không có nó, con người tan biến vào vô nghĩa yếu hèn thuộc thân phận hay chết của họ. Trong Chúa Kitô. Thần nhân, nhân loại có được tương lai độc nhất của mình. Mọi sự khác đều không lối thoát. Người ta hiểu rằng các Kitô hữu, dù ít ỏi, cũng có ý thức về vai trò của họ giữa lòng thế giới.

Không có Chúa, nhân loại chỉ là một thứ bọt bóng xà bông mỏng manh.

BÀI TIN MỪNG : Lc 7, 31-35

Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai ?

Sau khi ca tụng Gioan Tẩy Giả (Lc 7,18-30), Đức Giêsu tiếp tục nói về thế hệ của Người. Ta biết rằng, từ ngữ “thế hệ này" qua môi miệng của Đức Giêsu, có tính phê phán : Người dùng kiểu nói này để kết án. . . ám chỉ thế hệ này với

thời gian 40 năm trong sa mạc Sinai, khi dân không muốn theo Thiên Chúa, dù họ đã chứng kiến nhiều điều kỳ diệu (Tv 95, 10).

Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói : “ Tụi tôi thổi sáo cho mấy anh nhảy, tụi tôi hát bài đưa đám, mà mấy anh không khóc than”.

Dụ ngôn nhỏ bé, ngắn gọn và bi thiết : Đó là những đứa trẻ “cứng đầu”, những thằng bé lì lợm... đứa thì muốn chơi trò tiệc tùng và mời nhảy nhót... đứa khác lại muốn “chơi trò chôn táng" và bắt đầu giở giọng bi ai... Phải chấm dứt sự cứng đầu nhố nhăng như thế nào đây ?

Cũng vậy, những con người của thế hệ này" muốn điều khác với điều Thiên Chúa quyết định. Lời giảng của Gioan Tẩy Giả đượm vẻ khổ hạnh hẳn. Còn lời giảng của Đức Giêsu mang tính vui tươi hơn. Cả hai đều không gây chú ý được ai ! Thay vì hối cải, họ lại mở miệng chỉ trích các vị giảng thuyết và làm cho hai người đối nghịch nhau.

Thật vậy ông Gioan Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : “ Ông ta bị quỷ ám”.

Gioan Tẩy Giả là nhà giảng thuyết và con người khổ hạnh : ông rao giảng đặc biệt về sự sám hối và sống một cuộc đời rất khổ chế.

Con người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : “ Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.

Đức Giêsu có một phong cách giảng và nếp sống khác hẳn. Bữa ăn có tầm quan trọng to lớn đối với sự sống của Người, nên người ăn uống bình thường, Người loan báo Nước Thiên Chúa như bữa tiệc cứu độ. Và nếu sự sám hối và yêu sách của Thiên Chúa không vắng mặt trong lời Người, thì đó là "Tin Mừng ơn cứu-độ " vẫn đứng hàng đầu.

Hôm nay, ta nên suy niệm tới danh xưng mới mẻ mà người ta gán cho Đức Giêsu : "Bạn của phường 'tội lỗi".

Ở đây chính Đức Giêsu truyền đạt cho ta danh xưng đó bởi vì Người thích tên gọi đó. Không những không trả lời cho những chỉ trích nhằm Người như đối tượng, Người còn cảm thấy được vinh dự vì những lời phê phán đó.

Lạy Chúa Giêsu, Bạn thân của hết mọi người, Người Bạn phổ quát, bạn cả với những kẻ tội lỗi ! Chúa tẩy xóa tội lỗi thế gian xóa bỏ tội lỗi khỏi tầm hẳn con. Con biết rõ, Chúa yêu con dù nằm trong trạng huống nào nghèo khổ và tội lỗi để cứu con khỏi sự dữ. Xin cảm tạ Chúa.

Con gợi lại trong ký ức nhiều đoạn Tin mừng đã khiến Chúa được danh tiếng vì đối xử với những người tội lỗi"…

Kêu gọi người thu thuế Mátthêu vào dùng bữa với những người bạn thu thuế của ông... Bênh vực người đàn bà ngoại tình…Những dụ ngôn diễn tả lòng thương xót... Con chiên lạc bầy và được tìm lại…Đứa con hoang đàng. . . Người liệt bại được tha tội trước khi được chữa lành... Tên trộm cướp được dẫn vào thiên đàng... Hiện ra trước tiên với Maria Mađalêna v.v.

Ngày nay, lạy Chúa, Chúa vẫn xử sự như thế.

Nhưng đức khôn ngoan được tất cả con cái mình chứng minh cho.

Ở đây, Đức Giêsu lấy lại một trong những tư tưởng quý giá của Người : những kẻ bé nhỏ, những “ con cái” là những người "khôn ngoan ", nghịch lại với những kinh sư và : những kẻ uyên bác. “ Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì điều Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, thì Cha lại mạc khải cho những kẻ bé mọn”. ( Lc 10, 21).

Ta không cần phải làm bộ khôn lanh trước Thiên Chúa. Ai quá tự mãn về mình, có nguy cơ tự đóng khung mình, và không được thông dự vào những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa không ngừng thực hiện dưới mắt chúng ta.

Kitô hữu hôm nay có là những người “ con khôn ngoan của Thiên Chúa”, hay chỉ là những “ đứa trẻ cứng đầu” rong chơi ngoài đường phố , và không muốn chịu khuất phục điều gì, ngoài những ương bướng của mình ?

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sống ngoan ngoãn.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

HOÀN CẢNH :

Sau khi khen ngợi Gio-an Tiền Hô là người chính trực, bất khuất và trung tín (7,18-30;Mt 11,2-15), Đức Giê-su nghĩ ngay đến những người cứng lòng tin như các luật sĩ, biệt phái : Người thần trách họ cách kín đáo qua dụ ngôn mượn ở trò chơi hát đối của trẻ em Do-Thái.

Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Đức Giê-su phê phán thế hệ của con người, cụ thể là thái độ lãnh đạm và chống đối các luật sĩ và biệt phái đối với ông Gioan Tiền Hô và với Người.

TÌM HIỂU:

Vậy tôi phải ví người thế hệ này với ai ? …” :

Đây là câu hỏi và có ý nhấn mạnh để gây chú ý và nói lên tâm trạng xót xa của Đức Giê-su trước sự cứng lòng của những kẻ không chấp nhận những giáo huấn của Chúa.

“Họ giống như lũ trẻ …” :

Để diễn tả sự cố chấp không đón nhận đó, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mượn ở trò chơi hát đối của trẻ em D0 Thái ngồi ngoài chợ :

Trò chơi này được chia thành hai phe để xướng đáp cho phù hợp : bên này hát những bài ca bi ai thì bên kia đáp lại bằng cử chỉ điệu đấm ngực than khóc; bên này cất giọng ca vui vẻ giả làm đám cưới, thì bên kia phải vui mừng nhảy nhót. Nhưng nhiều khi gặp những đứa trẻ khó nết, theo ý riêng, không đối đáp phù hợp theo lệ đã quen của trò chơi, khiến cho trò chơi mất ý nghĩa và mất vui.

Dụ ngôn này có ý nghĩa ám chỉ những người cứng lòng cố chấp, không đón nhận lời giảng của Gioan Tiền Hô và giáo huấn của Đức Giê-su.

33-31 “Thật vậy ông Gia-an Tiền Hô đến …”

Đức Giê-su đang cử bằng chứng cố chấp đó :

- Gioan Tiền Hô không ăn bánh, không uống rượu, để nêu cao tinh thần sám hối, thì họ cho là bị quỷ ám!

- Đức Giê-su cùng ăn uống để diễn tả tình thương cứu độ, thì họ cho là tay ăn nhậu, bạn bè với kẻ xấu!

35 “Nhưng đức khôn ngoan đã được tất cả con cái biện minh cho” :

Con cái của đức khôn ngoan là những người tin nhận đức Giê-su, vẫy là thể hiện ý định của Thiên Chúa. Họ thật là con cái Thiên Chúa. Chính việc những người tin nhận Đức Giê-su đã biện minh :

- Sự sai lầm của những người cố chấp.

- Đức Giê-su thật là Đấng Cứu Thế.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG :

1. Thánh Gio-an Tiền Hô và Chúa Giê-su có hai đường lối khác nhau :một đàng khổ chế để khổ chế không ăn uống để tỏ bày tâm tình sám hối; một đàng cùng ăn cùng uống với những người thu thuế và tội lỗi để thể hiện tình thương cứu độ … nhưng cả hai cùng chung một mục đích, là loan báo thời cứu độ đã đến.

Trong Hội Thánh, trong một cộng đoàn hay trong một công việc … tuy chúng ta có những hình thức khác nhau, nhưng cùng chung một lý tưởng là phục vụ Nước Cha trị đến. Vì thế chúng ta cần phải biết thống nhất trong đa dạng và hiệp nhất trong khác biệt đời sống chung và của việc chung.

2. Qua bài Tin Mừng này, dựa vào lời Chúa Giê-su than trách , chúng ta nhận ra rằng : dầu ta làm gì đi nữa, thì sẽ luôn luôn gặp một số người chê bai, chỉ trích và cản trở. Bởi vì phán đoán của những người ấy không căn cứ vào chân lý của sự việc , nhưng dựa vào cảm tính riêng của họ. Chúng ta cần bình tĩnh và can đảm chịu đựng khi gặp như vậy trong suốt cuộc sống tông đồ của mình.

3. Nhìn vào Chúa Giê-su :

- Chúa Giê-su khiển trách những người cầm đầu dân Do Thái và thái độ cố chấp, cứng lòng tin bằng một thái độ tế nhị, là dùng dụ ngôn để làm chứng. Khi sửa sai lỗi cho nhau, kể cả những người chống đối, chúng ta cần có thái độ tế nhị và tôn trọng tha nhân, vì “người khôn nói mánh, người dại đánh đòn”.

- Trong công việc tông đồ, chúng ta có thể bắt chước Chúa Giê-su dùng phương thế đồng bàn : Ăn uống với tha nhân để tiếp xúc, gây thiện cảm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo huấn. Đồng thời chúng ta cùng noi gương Gioan Tiền Hô , biết dùng phương thế khổ chế bản thân để rao giảng sự sám hối.

4. Nhìn vào thế hệ của Chúa Giê-su qua dụ ngôn trò chơi trẻ em Do Thái :

- Chúng ta thuộc nhóm trẻ em tinh nghịch , khó tính và hay quậy, nên không hòa nhịp được với lời Chúa dạy, Hội Thánh khuyên răn và những người chung quanh nhắc bảo, thành thử kho sửa đổi tính tình. Khó thăng tiến đời sống và thánh hóa bản thân.

- Chúng ta thường có thái độ làm hỏng những công việc chung khi chúng ta thiếu đồng tình, khó cộng tác và không hiệp thông để tương trợ lẫn nhau.

- Nếu không tỉnh thức và khiêm nhường, chúng ta dễ coi mình là trung tâm , là thước đo, là tiêu chuẩn để phê phán người khác và đồng thời cố chấp trước những cái hay, cái tốt của thành công của người khác.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.